Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Đông Vinh  - TP.Thanh Hóa
Công sở xã Đông Vinh
ảnh công sở.JPG
 1. Quá trình hình thành

Năm 1928, toàn quyền Đông Dương quyết định chia Đông Sơn thành 7 tổng: Kim Khê, Thạch Khê, Tuyên Hóa, Quang Chiếu, Bố Đức, Viễn Chiếu và Thọ Hạc. Các thôn Đa Sỹ, Văn Khê, Tam Thọ, Văn Vật thuộc tổn Viễn Chiếu.

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, đơn vị tổng giải tán, cấp xã ra đời. Toàn huyện Đông Sơn có 22 xã, xã Đông Vinh ngày nay thuộc xã Quang Chiếu. Tháng 6 năm 1948 để phù hợp với cuộc kháng chiến, 22 xã sáp nhập thành 13 xã, thôn Đa Sỹ, Văn Khê, Tam Thọ và Văn Vật thuộc xã Đông Quang. Đến năm 1953 thực hiện Quyết định của Chính phủ, UBKC HC tỉnh chia 13 xã của huyện Đông Sơn thành 22 xã. Đến tháng 11 năm 1954 có sự thay đổi, các xã Đông Phú, Đông Quang, Đông Hòa, Đông Khê được chia thành 2 xã, xã Đông Quang chia thành 2 xã Đông Quang và Đông Vinh. Các thôn Đa Sỹ, Văn Khê, Tam Thọ, Văn Vật thuộc xã Đông Vinh.

Đông Vinh lúc này có 4 thôn, 7 xóm với tổng số dân là 1.373 người, diện tích đất công và bán công là 42 mẫu, ruộng tư là 765 mẫu, ruộng bỏ hoang là 50 mẫu.

Ngày 05 tháng 7 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 177/CP về giải thể huyện Thiệu Hóa, đưa 16 xã vùng hữu ngạn sông Chu tháp nhập vào huyện Đông Sơn thành huyện mới lấy tên là huyện Đông Thiệu, xã Đông Vinh thuộc huyện Đông Thiệu. Ngày 30 tháng 8 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 149/HĐBT đổi tên huyên Đông Thiệu thành huyện Đông Sơn, xã Đông Vinh và các xã giữ nguyên tên gọi.

Sau gần 20 năm hợp nhất, ngày 18 tháng 11 năm 1996, Chính phủ ban hành Nghị định 72/CP về vệc tái lập huyện Đông Sơn cũ với 19 xã và 01 thị trấn, Đông Vinh lúc này có thôn Đa Sỹ, Đồng Cao, Văn Khê, Tam Thọ, Văn Vật và khu dân cư Đồng Sâm. Đến năm 2005, dân cư trong xã có 837 hộ với 3.320 nhân khẩu. Đảng bộ xã có 119 đảng viên sinh hoạt trong 8 Chi bộ, 6 Chi bộ sinh hoạt theo thôn; 2 Chi bộ là Trường  THCS, Chi bộ Trường Tiểu học và Trạm y tế.

Năm 2012, Thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 29/2/2012 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện: Hoằng hóa, Thiệu Hóa, Đông Sơn và Quảng Xương để mở rộng địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa. Đông Vinh được sáp nhập về thành phố Thanh Hóa.

2. Điều kiện địa lý, tự nhiên

Một góc quê hương Đông Vinh
quê Đông Vinh.jpg

2.1. Vị trí địa lý

Xã Đông Vinh nằm ở phía Tây Nam của thành phố Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố khoảng 7 km, có địa hình tương đối bằng phẳng, có đường giao thông thuận tiện cho việc phát triển nghành nghề, dịch vụ thương mại.

Tiếp giáp với các xã sau: Phía Bắc giáp xã Đông Hưng, Phường Quảng Thắng - Thành phố Thanh Hóa; Phía Nam giáp xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương; Phía Đông giáp xã Quảng Thịnh - TP Thanh Hóa; xã Quảng Trạch - Huyện Quảng Xương; Phía Tây giáp xã Đông Quang, xã Đông Nam, huyện Đông Sơn;

2.2. Diện tích tự nhiên

Xã có tổng diện tích tự nhiên là 435,92ha, trong đó:

- Đất nông nghiệp: 260,69 ha

- Đất phi nông nghiệp: 149,32 ha

- Các loại đất chuyên dùng phi nông nghiệp khác: 88,94 ha.

- Đất chưa sử dụng: 25,92 ha

3. Dân số(Tính đến tháng 6 năm 2021)

Toàn xã có 1.032 hộ với 3.398 nhân khẩu, được chia thành 5 thôn gồm:

Thôn Đa Sỹ, Đồng Cao, Văn Khê, Tam Thọ và thôn Văn Vật.

Tổng số lao động trong độ tuổi có khả năng lao động là 2.141người. Số lao động có việc làm 2.080 người chiếm tỷ lệ 97,15%. Số lao động có việc làm qua đào tạo 1.580 người chiếm tỷ lệ 75,96 %.

4. Cơ cấu kinh tế

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng, tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ thương mại (công nghiệp - xây dựng chiếm: 45%; dịch vụ - thương mại chiếm: 40%; nông nghiệp - thủy sản chiếm: 15%).

Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 Hợp tác xã hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012; 25 công ty, doanh nghiệp, 120 hộ sản xuất kinh doanh với các ngành nghề chủ yếu là sản xuất vật liệu xây dựng (đá xẻ), bê tông thương phẩm, vận tải, thương mại, cơ khí... Ngoài việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu lao động, cấp ủy, chính quyền còn tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch phát triển kinh tế cây con có giá trị kinh tế cao. Thu nhập bình quân đầu người tính đến tháng 6 năm 2021 ước đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

5. Nét đặc trưng về văn hóa

Trên địa bàn xã Đông Vinh có di tích khảo cổ học gốm cổ Tam Thọ (là di tích gốm cổ nhất Đông Dương, có niên đại sớm nhất trong giai đoạn thế kỷ 10 đầu công nguyênđược xếp hạng di tích lịch sử văn hóa khảo cổ học cấp tỉnh năm 2004)di tích lịch sử văn hóa - lịch sử cấp tỉnh Nghè Đa Sỹ (thờ hai vị thần là Cao Sơn Đại Vương và Đậu Đại vương Lục cung chàng nương Thiên tôn, được công nhận năm 2017); ngoài ra trước đây thôn Văn Khê có Nghè thờ Sáo Đại Vương, thôn Tam Thọ có nghè thờ Cao Sơn Đại Vương thượng đẳng thần và chùa Chàng, thôn Văn Vật có nghè thờ Thiên Lôi Đại Vương, thôn Đa Sỹ còn có Chùa Lồi, do quá trình thời gian, chiến tranh và phong trào bài phong các công trình văn hóa đã hư hỏng chỉ còn lại phế tích.

Gốm Tam Thọ
10.jpg

6. Con người và truyền thống lịch sử

Trải qua hàng ngàn năm xây dựng và phát triển quê hương, Nhân dân Đông Vinh hun đúc lên truyền thống lịch sử rất tự hào. Đó là: truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; truyền thống kiên cường dũng cảm trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và chống thiên nhiên khắc nhiệt; truyền thống hiếu học, dám nghĩ, dám làm để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...

6.1. Truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất

Từ xa xưa, nơi đây nghề nông là nghề truyền thống, bà con chủ yếu trồng cây lúa nước, vùng chiêm trũng, cuối nguồn của hệ thống nông giang, lũ lụt, hạn hán xy ra thường xuyên, điều kiện canh tác khó khăn, đời sống Nhân dân vất vả. Sau thời đổi mới, Nhân dân Đông Vinh quy hoạch vùng thửa, thực hiện làm hệ thống tưới tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế, ngăn được lũ, hạn chế được hạn hán; áp dụng khoa khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp như cây, con có chất lượng và giá trị kinh tế; phát triển ngành nghề như khai thác đá xây dựng, đá ốp lát, đá mỹ nghệ, nghề vận tải; dịch vụ buôn bán vừa và nhỏ, nghề cơ khí, nghề xây dựng... kinh tế- xã hội dần dần phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện.

6.2. Truyền thống chống giặc ngoại xâm

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Nhân dân Đông Vinh với lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, khi có khởi nghĩa đánh giặc ngoại xâm và đế quốc đô hộ, cai trị, xâm lược nước ta thì Nhân dân Đông Vinh cùng với Nhân dân cả nước sẵn sàng lên đường tham gia, huy động sức người, sức của đóng góp cho các cuộc khởi nghĩa, các cuộc kháng chiến góp phần cùng với quân dân cả nước giành thắng lợi chung cho các cách mạng Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới, Đông Vinh có  52 liệt sỹ, 40 thương bệnh binh, 15 người bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng chiến tranh Việt Nam: toàn xã Đông Vinh có 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

6.3. Truyền thống văn hóa

Đông Vinh có truyền thống hiếu học, trọng nhân tài. Thế kỷ XIV đã có ông Nguyễn Văn Cổng đậu cử nhân, ông Lê Đình Mãi đậu cử võ, ông Trần Văn Chinh đỗ tam đường... dưới thời Pháp thuộc xã có rất nhiều thầy đồ như: ông Nguyễn Văn Ý, ông Nguyễn Văn Chế, ông Nguyễn Văn Khải, ông Trần Văn Chinh, ông Lê Đình Hách, ông Lê Văn Dung, ông Lê Văn Dạm, ông Hoàng Đắc Xung, ông Hồ Sỹ Hạm... Trong kháng chiến, sau khi thống nhất đất nước và những năm gần đây Đông Vinh có nhiều người đỗ đại học, thạc sỹ, đặc biệt những năm gần đây Đông Vinh có 03 người đỗ  tiến sỹ cụ thể như ông Bùi Văn Hoàng tiến sỹ ngành y, ông Hoàng Ngọc Hải tiến sỹ ngành An ninh ở thôn Văn Khê, ông Lê Văn Chương tiến sỹ ngành y thôn Văn Vật. Ngoài ra, còn có nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi học giỏi toàn quốc như: Trần Thị Trang đạt giải Nhì Hoa Trạng Nguyên môn địa, Mai Văn Tùng thôn Văn Vật đạt giải Ba môn sinh toàn quốc... Đông Vinh có 18 dòng họ, các dòng họ đều có quỹ khuyến học để khuyến khích, động viên con cháu trong dòng họ cố gắng học hành đỗ đạt.

Đông Vinh trước kia là nơi có nhiều nghè thờ các vị Thành Hoàng làng và chùa thờ phật như: Chùa Lồi thôn Đa Sỹ, Chùa Chàng thôn Tam Thọ, Nghè Đa Sỹ thời Cao Sơn Đại Vương và Đậu Đại vương Lục cung chàng nương Thiên tôn, Văn Khê có Nghè thờ Sáo Đại Vương, thôn Tam Thọ có nghè thờ Cao Sơn Đại Vương thượng đẳng thần, thôn Văn Vật có nghè thờ Thiên Lôi Đại Vương. Hiện nay, nghè Đa Sỹ đang được Ban quản lý di tích phối hợp với Nhân dân thôn Đa Sỹ trông coi, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng như lễ hội giằm tháng giêng, tổ chức tế lễ mùng một tháng năm, ngày giỗ Đức Thánh. Chùa Lồi đang được Hội phật giáo Thanh Hóa đầu tư tôn tạo, phục dựng, chùa có sư về chủ trì, hàng năm chùa đều tổ chức các hoạt động lễ hội và hoạt động tiến ngưỡng và các hoạt động xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, hàng năm trong các dịp lễ, Tết cổ truyền Nhân dân trong xã thường tổ chức các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, các trò chơi, trò diễn n gian như trò chơi bắt trạch trong chum, bịt mắt bắt vịt, kéo co nam nữ....

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
307
Hôm qua:
200
Tuần này:
1992
Tháng này:
5035
Tất cả:
364088

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289